Xây dựng) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 100/TTg- KTN ngày 29/12/2014 về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Xây dựng 2014, để đảm bảo các hoạt động đầu tư xây dựng không bị gián đoạn trong khi chờ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn thực hiện Luật. Bộ Xây dựng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và tuân thủ đầy đủ các nội dung đã được quy định cụ thể của Luật Xây dựng 2014 trong khi chờ có văn bản quy định, hướng dẫn.

Luật Xây dựng 2014 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 18/6/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết thực hiện Luật. Để đảm bảo các hoạt động đầu tư xây dựng không bị gián đoạn trong khi chờ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn thực hiện Luật, ngày 30/12/2014 Bộ Xây dựng đã ban hành công văn 3482/BXD-HĐXD về việc thực hiện Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 gửi các Bộ ngành và UBND các tỉnh. Theo nội dung công văn của Bộ Xây dựng, một số nội dung Luật Xây dựng 2014 được Chính phủ hướng dẫn áp dụng các văn bản phạm pháp luật hướng dẫn Luật Xây dựng năm 2003 nhưng không trái với các quy định của Luật Xây dựng 2014.
Theo đó, từ ngày 01/01/2015 dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 49 Luật Xây dựng 2014 được phân loại theo quy định của Luật Đầu tư công. Về phân loại, phân cấp công trình xây dựng, việc phân loại, phân cấp công trình theo quy định tại Điều 5 Luật Xây dựng 2014 được áp dụng theo Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Thông tư số 09/2014/TT- BXD ngày 10/7/2014 của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Quy định về chủ đầu tư và hình thức quản lý dự án, thì đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được quyết định đầu tư sau ngày 01/01/2015 thì căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, UBND cấp tỉnh có thể giao cho các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành trực tiếp quản lý Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực do mình quyết định thành lập. Các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm khẩn trương kiện toàn, sắp xếp hoặc thành lập các Ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án khu vực theo quy định của Luật Xây dựng 2014 để quản lý đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Phân loại về lập, thẩm định dự án đầu tư xây dựng, trong việc lập dự án và Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng được quy định như sau: Dự án được phê duyệt sau ngày 01/01/2015 thì điều chỉnh nội dung phù hợp với quy định tại Điều 54, Điều 55 của Luật Xây dựng 2014 trước khi trình thẩm định, phê duyệt. Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo và các công trình xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất) chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại Điều 55 của Luật Xây dựng 2014.
Công văn 3482/BXD-HĐXD của Bộ Xây dựng cũng quy định về thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở từ 01/01/2015, áp dụng đối với công trình chưa được phê duyệt thiết kế, dự toán thì nội dung lập, thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình được thực hiện theo quy định tại Điều 80, Điều 83 của Luật Xây dựng 2014. Theo đó, thẩm quyền và quy trình tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán được áp dụng theo quy định về thẩm quyền và quy trình thẩm tra thiết kế tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và Thông tư số 13/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng về Quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình.
Đối với thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 123 của Luật Xây dựng 2014. Thẩm quyền và quy trình kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình được áp dụng theo quy định của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, Thông tư số 10/2013/TT-BXD và Thông tư số 09/2014/TT-BXD.
Quy định về việc cấp GPXD được xác định với những công trình được miễn GPXD quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng 2014. Việc cấp GPXD được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2014 và quy định của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ về cấp GPXD và Thông tư số 10/2012/TT-BXD của Bộ xây dựng về Hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP.
Về quản lý điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, được quy định trong việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng áp dụng theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Thông tư số 12/2009/TT-BXD ngày 24/6/2009 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn chi tiết về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Việc đánh giá năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức áp dụng theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP và Thông tư số 22/2009/TT-BXD ngày 06/7/2009 của Bộ Xây dựng Quy định chi tiết về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng.
Các nội dung của Công văn 3482/BXD-HĐXD của Bộ Xây dựng có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/01/2015 cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực. |
Báo Xây dựng